TRƯỜNG THCS THANH XUÂN NAM THAM GIA
Hội thi kể chuyện: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Một con Người vĩ đại, vĩ đại ngay cả trong những việc bình thường”. Cuộc đời Người là một tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập. Người đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người, đạo đức, lối sống của Người đã trở thành di sản đặc biệt quý giá với dân tộc ta. Hưởng ứng “Hội thi kể chuyện Tấm gươngTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do UBND phường Thanh Xuân Nam tổ chức, cô giáo Hoàng Mai Hương đại diện cho tập thể Hội đồng Sư phạm trường THCS Thanh Xuân Nam đã tham gia hội thi sáng ngày 18/05/2018. Mục đích của hội thi nhằm nâng cao nhận thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học quý báu của Người trong thời đại mới.
Câu chuyện cô Hoàng Mai Hương kể là một câu chuyện nhỏ trong vô vàn câu chuyện về đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác, có nhan đề “Đôi dép Bác Hồ” - Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác.
Qua lời kể truyền cảm của cô giáo Hoàng Mai Hương, hình ảnh Bác hiện lên thật gần gũi bình dị với bộ quần áo ka ki bạc màu, tay áo đã sờn, chân đi dép cao su, đôi dép đế mòn đã cùng Bác “từ chiến khu” về Hà Nội.Đôi dép cao su của Bác đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, hiện thân trong đời sống nhân dân như một huyền thoại, gắn liền với đức tính giản dị, ý chí kiên cường, bền bỉ của Người cùng dân tộc trên con đường trường chinh vạn dặm vì độc lập tự do.
Phần thi của cô Hoàng Mai Hương còn được đánh giá cao ở phần liên hệ, học tập đức tính của Bác. “Lúc sinh thời Bác từng nói: Cần với kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với vật chất đâu phải chúng ta không học tập được, đâu phải là tòa thánh cấm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất. Là Đảng viên, cán bộ công chức nhà nước, chúng ta cần tiết kiệm không chỉ ở gia đình mà còn ở cơ quan, xã hội. Chỉ cần tiết kiệm một việc nhỏ nhưng mình cùng nhiều người tiết kiệm góp lại sẽ có ích cho xã hội. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng phải là những việc lớn lao, phải thực hiện được những cái cao siêu thì mới thể hiện được tinh thần tiết kiệm. Những thói quen tốt nên học như mà tắt một chiếc quạt, tắt một cái bóng đèn, khóa một vòi nước khi không còn sử dụng, đó chính là tiết kiệm. Luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết, đó cũng chính là tiết kiệm. Để thực hành tiết kiệm phải kiên quyết với những việc làm xa xỉ, như kéo dài thời gian lao động không cần thiết, làm hao phí vật liệu trong sản xuất, luôn tìm cách ăn ngon, mặc đẹp hưởng thụ trong lúc đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, v.v... Phải biết cách tổ chức thì tiết kiệm mới có hiệu quả.”
Qua hai phần thi kể chuyện và trả lời câu hỏi, cô giáo Hoàng Mai Hương có cơ hội thể hiện tài năng và nhận thức của bản thân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải cho đại diện dự thi đến từ các đơn vị, cô Hoàng Mai Hương vinh dự được nhận giải Ba.