Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Lấy gương người tốt, việc tốt giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Điều mà Bác Hồ quan tâm là làm sao giới thiệu những gương người tốt, việc tốt để mọi người noi gương, học tập và làm theo, đó cũng là cách để giới thiệu “những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc”.
Từ xưa đến nay nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề bởi họ là những người dìu dắt thế hệ trẻ của đất nước. Vì vậy không phải ai cũng có thể trở thành những người thầy, người cô - những người đặt hết tâm huyết cũng như tình yêu con người, trách nhiệm lớn lao đối với lớp trẻ, với xã hội.
Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THCS Thanh Xuân Nam
[if !vml]
Cô Hương và các thầy, cô giáo tổ xã hội
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước chào mừng kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên trong tập thể trường THCS Thanh Xuân Nam đang ra sức phấn đấu để trở thành những bông hoa tươi đẹp như lời dặn của Bác. Trong rừng hoa thơm ngát đó có một bông hoa rực rỡ, ngày ngày toả hương, ngày ngày bám trường, bám lớp góp phần làm đẹp cho đời, đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Hương, một cô giáo Nguyễn Thị Hương rất nhiệt huyết của chúng tôi.
HỌC VẤN XUẤT SẮC, TÍNH CÁCH NĂNG ĐỘNG
Cô giáo Nguyễn Thị Hương sinh năm 1970 tại Thành phố Phúc Yên- Tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngày ngày ngắm nhìn thầy cô của mình trên bục giảng, cô đã luôn ước mơ lớn lên mình sẽ trở thành cô giáo. Năm 1988, niềm mơ ước của cô đã trở thành sự thật khi cô trúng tuyển vào khoa Ngữ Văn Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội (nay là trường Đại học Thủ Đô). Năm 1999, sau khi lập gia đình cô theo học Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, suốt 3 năm sinh viên, cô luôn là cán bộ Đoàn xuất sắc, tham gia các hoạt động của Đoàn, hội tích cực là những mảnh ghép không thể thiếu trong ký ức thanh xuân tươi đẹp của cô. Năm 1997 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoài sự năng động trong các công tác xã hội, với sự nỗ lực không mệt mỏi trong suốt 3 năm học tập đó, cô đã tốt nghiệp Đại học với tấm bằng cử nhân loại Giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương
Cô Hương trong lễ ra trường
Tốt nghiệp Đại học, cô sinh viên trẻ quyết định về công tác tại ngôi trường thị trấn Xuân Hòa năm 1991 với chức danh giáo viên Ngữ Văn khối THCS. Dù công tác ở đây 1 năm học, nhưng chính ngôi trường năng động này đã làm giàu lên kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm mới mẻ, mang hơi hướng sáng tạo trong lối dạy của cô sau này. Vì là giáo viên trẻ cô được cử đi biệt phái tới trường THCS Ngọc Thanh. Sau khi lập gia đình cô chuyển về trường THCS Sóc Sơn. Năm 2006 cô chuyển công tác về Trường THCS Thanh Xuân Nam, là một trong những thành viên đầu tiên trong những ngày đầu còn khó khăn đã cống hiến cho trường. Trải qua 16 năm cô cống hiến sức trẻ của mình cho ngôi trường THCS Thanh Xuân Nam nơi cô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, và được tin tưởng giao phó chức vụ Tổ phó chuyên môn.
CHUYÊN MÔN GIỎI
Là một giáo viên với 32 năm trong nghề, chừng ấy thời gian đã đủ để lưu lại trong tâm trí mỗi đồng nghiệp chúng tôi hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hương, một con người luôn nỗ lực trong từng bài giảng, luôn nhiệt tình, mẫu mực, có trách nhiệm, hết lòng vì học sinh. Cô luôn ý thức rằng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì người giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như các con của mình. Trong quá trình dạy học, cô luôn tận dụng mọi thời điểm, truyền đạt kiến thức, truyền sự nhiệt tình, say sưa cho học sinh, bồi dưỡng cho các em phương pháp và ý chí quyêt tâm trong học tập. Cô luôn xứng đáng là tấm gương sáng về người giáo viên - người mẹ hiền trong môi trường Sư phạm.
Cô Hương cùng các học trò
Bằng tất cả tình yêu nghề, lòng mến thương con trẻ, cùng với sự nhiệt tình, năng động của bản thân, cô giáo Nguyễn Thị Hương cứ mãi trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, cô luôn khát khao mang lại những bài giảng hay với phương pháp giảng dạy khoa học cho bộ môn Ngữ Văn tưởng chừng rất khô khan ấy. Để làm được điều đó, cô đã tiên phong là người đi đầu trong mọi công việc, không ngại khó, ngại khổ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lãnh đạo và tập thể, cô luôn đi đầu về đổi mới phương pháp dạy học. Dù chúng ta vẫn đang trong thời kì dạy học online để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh Covid 19 trong suốt hai năm qua, nhưng những bài giảng của cô chưa hề làm học sinh chán nản, mất tinh thần học tập. Cũng bởi lẽ cô đã biến cái nguy đó thành cơ hội vàng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy của mình. Điều đó đã khiến các con học sinh rất háo hức, thích thú với bài giảng của cô, và tiếp thu rất hiệu quả các kiến thức của bộ môn Ngữ Văn.
Như Lep Tônxtôi đã từng nói: “Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt”. Thật vậy, trong hơn 32 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Hương với đam mê và nhiệt huyết của mình đã làm “khởi sắc” hoạt động chuyên môn cho đơn vị mà cô công tác. Năm 2005, cô đạt giải Nhì trong Hội thi Cô giáo Tài năng duyên dáng. Đến tháng 7 năm 2010, thật tự hào khi cô đạt giải Ba Giải Cầu lông, bóng bàn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo Quận Thanh Xuân. Như Bác Hồ đã nói “Yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước”. Cô luôn biết phấn đấu, thi đua tích cực. Sự đam mê với nghề, lòng yêu con trẻ của cô luôn là những điều mỗi đồng nghiệp chúng tôi cảm nhận được khi may mắn được công tác cùng đơn vị với cô.
Ảnh: Cô Hương tham dự Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng
CHỦ NHIỆM KHÉO
Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen, phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần. Giúp các em trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo. Để đạt được mục tiêu đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng. Người giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi có tài năng, năng lực mới đảm nhận được vai trò của mình. Với nhiều khoá chủ nhiệm trong suốt 32 năm công tác, trong nhiệm vụ này, cô Nguyễn Thị Hương không áp dụng lề lối áp đạt, quản lý học sinh theo “quyền uy”, theo kế hoạch, theo mệnh lệnh mà cô biết hội tụ sự tin tưởng, lan tỏa sự yêu thương và truyền lửa động lực cho các em học sinh. Bao thế hệ học trò đã ra trường, nhưng trái tim vẫn luôn hướng về cô Nguyễn Thị Hương, không chỉ là một người giáo viên chủ nhiệm, mà còn là một người mẹ, người bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe và khơi nguồn động lực mỗi khi các em vấp ngã.
Ảnh: Cô Nguyễn Thị Hương và học trò cũ vui mừng ngày gặp lại
Với phụ huynh học sinh, cô Nguyễn Thị Hương gây dựng mối liên kết đối tác chặt chẽ dựa trên sự lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Cô cùng phụ huynh xác định mục tiêu: giúp con trẻ khôn lớn, trở thành người có trách nhiệm, được đảm bảo an toàn và học tập tốt nhất. Cô hay nói rằng: với phụ huynh phải chỉ cho phụ huynh biết (chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, của địa phương, của tổ chức, đơn vị mình), giải thích chi tiết cho họ hiểu (họ sẽ hăng hái làm cho tốt), bày cho phụ huynh các cách làm (không làm thay mà phụ huynh được thảo luận, thống nhất kế hoạch, động viên phụ huynh thực hiện kế hoạch), kiểm tra chất lượng việc thực hiện (để nhắc nhở, rút bài học, và không quên động viên đúng lúc). Từ đó, cô Nguyễn Thị Hương đã giúp cho phụ huynh nắm được, hiểu rõ mục đích, nhiệm vụ của mình, những điều tưởng chừng vô cùng đơn giản nhưng góp phần rất lớn trong sự trưởng thành của một đứa trẻ. Khi phụ huynh thông suốt mọi vấn đề mới có thể tạo ra sự đồng thuận, vui vẻ thực hiện nhiệm vụ mà ko có sự gượng ép, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không được ủng hộ nhiệt tình từ chính các bậc cha mẹ học sinh… Chính bài học này mà cô Nguyễn Thị Hương đã tạo được niềm tin, sự thuyết phục trong rất nhiều phụ huynh và họ đã kề vai sát cánh phối kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm để sát sao đến từng đối tượng học sinh của lớp mình.
Ảnh: Cô Hương cùng học sinh lớp 9A3
Với tài năng và nhiệt huyết đó, cô đã truyền dạy cho học trò những kiến thức, kĩ năng cũng như tạo cho học trò những vốn kinh nghiệm sống, gắn với thực tiễn. Những giờ học thú vị với các trò chơi hay những giờ chào cờ, sinh hoạt chuyên đề, cô luôn thân thiện, gần gũi, gắn bó với học trò, bởi với cô, bao nhiêu học sinh là bấy nhiêu đứa con mà cô là người mẹ, và trách nhiệm của một người mẹ là phải dạy dỗ, chỉ bảo cặn kẽ về kiến thức khoa học cũng như những kiến thức trong đời sống xã hội. Đây chính là những phẩm chất đáng quý, đáng trọng của người được xã hội tôn vinh hai tiếng Người Thầy.
Ảnh: Cô Nguyễn Thị Hương cùng lễ tốt nghiệp của học sinh lớp chủ nhiệm
Cô Hương cùng học sinh trong “Đêm hội trăng rằm”
Đặc biệt, trong những đầu tiên của năm học 2021-2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nhanh và phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của con người, cô Nguyễn Thị Hương đã tích cực tuyên truyền và hướng dẫn đến học sinh các biện pháp phòng dịch 5K, 5T cho học sinh, đặc biệt là đeo khẩu trang hàng ngày đúng cách, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, súc miệng nước muối, uống nước ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn chín uống sôi, mặc trang phục giữ ấm cơ thể, hạn chế đến những khu vực đông người, các khu chợ bán đồ tươi sống, khi khẩu trang dùng xong phải để đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi ra môi trường, thực hiện tổng vệ sinh, tẩy rửa, phun thuốc khử khuẩn… Ngoài ra, trong hoàn cảnh Hà Nội tạm thời không cho học sinh đến trường học suốt mấy tháng vừa qua, để giúp các em tạm dừng đến trường nhưng không dừng học và trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau, cô đã đồng hành cùng các giáo viên bộ môn và cha mẹ học sinh để nắm chắc tình hình việc chuẩn bị trang thiết bị học tập cũng như tinh thần học tập của học sinh trong mỗi giờ học. Chính vì vậy, tập thể 9A3 của cô học sinh luôn tham gia học online thông qua Google meet đầy đủ, mang lại kết quả tích cực trong học tập và rèn luyện.
GIỎI VIỆC TRƯỜNG ĐẢM VIỆC NHÀ
Không chỉ làm tốt vai trò một nhà giáo hết lòng vì học sinh, trong gia đình, cô giáo Nguyễn Thị Hương còn là một người vợ hiền, người mẹ đầy trách nhiệm, chăm sóc con bằng tất cả tình yêu thương của mình. Cô luôn dạy dỗ hai con của mình biết cách thể hiện sự hiếu thảo, kính trọng người lớn, ngoan ngoãn, nhường nhịn nhau.
Cô Hương hạnh phúc bên gia đình mến yêu
Ai đó đã từng nói: “Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác.” Mỗi khi ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ cô Nguyễn Thị Hương, người đồng nghiệp nhỏ nhắn, nhưng tràn đầy nhiệt huyết như vậy đó. Dù đảm nhiệm công việc nào, cô Nguyễn Thị Hương vẫn luôn phấn đấu hết mình, luôn tiên phong, nhiệt huyết và đầy sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chính điều đó mà cô luôn nhận được tình yêu, sự trân trọng của các thế hệ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp cũng như sự tin tưởng của Ban Giám hiệu. Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, như lời Bác Hồ đã nói, cô sẽ luôn là ngọn cờ đầu, để mỗi giáo viên trẻ như tôi sẽ phải nỗ lực hết sức mình để tiếp bước thế hệ giáo viên xuất sắc như cô. Cảm ơn người chiến sĩ văn hóa đã và đang cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người, góp phần đưa chất lượng của trường trường THCS Thanh Xuân Nam nói riêng và Quận Thanh Xuân nói chung ngày một khởi sắc.
Thanh Xuân Nam, ngày 10 tháng 3 năm 2023
Tác giả
Nguyễn Văn Bắc