Usinxki từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn tới học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ một câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Người thầy không chỉ là người dạy chữ, người truyền đạt tri thức cho học trò mà hơn thế, người thầy là “kĩ sư tâm hồn”, là người khơi dậy ngọn lửa trong trái tim các thế hệ học trò. Những tâm hồn đẹp chỉ hình thành khi được nảy mầm và bắt rễ trong miền đất yêu thương và thông thái. Vì vậy mỗi thầy giáo, cô giáo phải là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để học trò noi theo. Hiểu rõ về sứ mệnh của mình, giáo viên trường THCS Thanh Xuân Nam luôn không ngừng miệt mài, đổi mới trong dạy học. Một trong những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo tiêu biểu của nhà trường đó là cô giáo Bùi Thị Thư - Giáo viên Ngữ văn - phó chủ tịch công đoàn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo, việc cô Thư đến với nghề như như duyên nghiệp đã định sẵn. Ngay từ thuở thơ bé, cô học trò nhỏ nhắn đã tay cầm phấn, tay cầm thước bắt đầu đứng trên bục giảng để tập làm quen với nghề giáo. Và hơn cả, cô có một người cha tuyệt vời là Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Bùi Duy Tân đã đưa cô đến với Văn học. Cha cô đã định hướng, bồi đắp tình yêu thơ văn cho cô, bởi vậy mà ngay từ thời học sinh, cô không chỉ tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn mà còn trở thành cử nhân Ngữ văn xuất sắc. Giờ đây, nối tiếp truyền thống gia đình, hơn 30 năm nhiệt huyết, tận tụy, niềm vui lớn nhất của cô đó chính là niềm tin yêu mà đồng nghiệp, học trò, phụ huynh dành cho mình.
Ngữ văn là một môn học thuộc nhóm khoa học xã hội có tầm quan trọng trong việc giáo dục quan điểm tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Đồng thời là môn học thuộc nhóm công cụ, môn văn còn thể hiện rõ mối quan hệ với các môn học khác. Học sinh học tốt môn văn sẽ tác động tích cực tới các môn học khác và ngược lại các môn học khác cũng góp phần học tốt môn văn. Chính vì vậy, cô luôn tâm niệm: “Môn Văn là một môn học cần truyền cảm hứng, đam mê và yêu thích thì học sinh mới có thể học tốt”. Cô đã tích cực khơi dậy niềm đam mê văn học cho các em học sinh qua từng bài học và cách dạy của mình. Cô không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới trong cách giảng dạy để nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Cô dành thời gian cho quá trình soạn bài, nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài tập, sách nghiên cứu, tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu, tri thức khác nhau. Đồng thời, cô xác định nội dung trọng tâm bài giảng, thực hiện các sơ đồ tư duy cho các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu. Cô đã tích cực áp dụng những phương pháp dạy học khơi gợi năng lực của học sinh, dạy theo chủ đề, áp dụng những kĩ thuật dạy học mới hiệu quả… Trong mỗi bài dạy cô chỉ là người gợi mở nội dung, định hướng rồi để học sinh tìm hiểu thông qua các câu hỏi thảo luận nhóm về tác phẩm hoặc nội dung mà bài học đề cập. Cùng với việc áp dụng các phương pháp mới vào dạy học, cô Thư còn tiến hành phân loại học sinh để có phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp hơn từ đó phát huy được tính tích cực chủ động của các em. Giờ học của cô lúc nào cũng là giờ học với không khí thoải mái, học trò được tự do, được tư suy sáng tạo vì thế các em dễ dàng hiểu về những giá trị mà môn văn mang lại.